Ký hiệu ngữ âm dùng để ký âm tiếng Việt Âm vị học tiếng Việt

Các tài liệu ngôn ngữ học ở Việt Nam sử dụng nhiều kiểu ký hiệu ngữ âm khác nhau để ký âm tiếng Việt. Để biểu thị cùng một âm nào đó trong khi tác giả này thì ghi âm đó bằng ký hiệu này thì tác giả khác lại ghi bằng ký hiệu khác. Cùng một ký hiệu lại có thể biểu thị những âm khác nhau tuỳ từng tác giả. Người nghiên cứu ngôn ngữ có thể trộn lẫn các kiểu ký hiệu ngữ âm khác nhau, trộn lẫn cả một số chữ lấy từ văn tự La-tinh tiếng Viêt, tạo thành một hệ thống ký hiệu ngữ âm hỗn hợp dùng để ký âm tiếng Việt. Khi người viết không ký âm tiếng Việt bằng ký hiệu ngữ âm quốc tế mà lại không nêu rõ ý nghĩa của ký hiệu mình sử dụng thì người đọc không thể tránh khỏi việc có những lúc không biết chắc được ký hiệu mình gặp phải được dùng để biểu thị thuộc tính ngữ âm gì.[1] Trong bài này, hệ thống ký hiệu ngữ âm được dùng để ký âm tiếng Việt là ký hiệu ngữ âm quốc tế của Hội Ngữ âm học Quốc tế.

Do không hiểu rõ ý nghĩa và cách sử dụng ký hiệu ngữ âm quốc tế mà một số người nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam khi ký âm tiếng Việt bằng ký hiệu ngữ âm quốc tế đã dùng sai ký hiệu. Âm xát ngạc mềm vô thanh lẽ ra phải được ký âm bằng ký hiệu ngữ âm quốc tế là /x/ (tự mẫu La-tinh “ích-xì” viết thường) thì lại bị nhiều người ký âm nhầm là /χ/ (tự mẫu tiếng Hy Lạp “khi” viết thường). Trong bảng ký hiệu ngữ âm quốc tế, /χ/ được dùng làm ký hiệu biểu thị âm xát thuỳ ngạc vô thanh chứ không phải là âm xát ngạc mềm vô thanh. Nhiều người nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam không phân biệt âm tắc đôi môi hữu thanh /b/ với âm nổ trong đôi môi hữu thanh /ɓ/, âm tắc lợi hữu thanh /d/ với âm nổ trong lợi hữu thanh /ɗ/. Ở Việt Nam, hai âm nổ trong /ɓ/ và /ɗ/ trong tiếng Việt hay bị ký âm là /b/ và /d/.[1]